Những vấn đề cần biết khi giao kết hợp đồng lao động

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2019

LuậtLaođộng

Trong quá trình tìm kiếm cơ hội việc làm, người lao động sẽ luôn quan tâm đến các phúc lợi mà doanh nghiệp dành cho nhân viên công ty. Việc xem xét rõ các phúc lợi là điều cần thiết để người lao động lựa chọn được môi trường công việc phù hợp mà mình mong muốn. “Hợp đồng lao động” sẽ luôn là vấn đề cốt lõi mà thông qua đó người lao động nắm rõ các phúc lợi, thảo luận cùng công ty để hai bên đạt được thỏa thuận phù hợp nhất. Do đó trước khi trở thành nhân viên chính thức, giai đoạn thảo luận hợp đồng lao động là cần thiết và quan trọng. Bài viết sau đây sẽ cung cấp những kiến thức tổng quan cần thiết về Hợp đồng lao động nhằm giúp người lao động thuận lợi hơn trong quá trình giao kết hợp đồng.



  1. Các loại hợp đồng lao động

Bộ Luật Lao động 2019 quy định có 02 loại hợp đồng lao động:

  • Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: là loại hợp đồng hai bên không đặt ra thời hạn chấm dứt cụ thể của hợp đồng

  • Hợp đồng lao động xác định thời hạn: là loại hợp đồng hai bên có xác định thời hạn chấm dứt của hợp đồng. Lưu ý: hiệu lực của hợp đồng này không được kéo dài quá 36 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực. 

Đối với loại hợp đồng xác định thời hạn khi hết thời hạn, hai bên chỉ được ký tiếp hợp đồng xác định thời hạn thêm 01 lần. Đến lần thứ ba, hợp đồng phải được chuyển thành hợp đồng không xác định thời hạn. 

  1. Thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động

Hợp đồng lao động có giá trị pháp lý là hợp đồng đúng hình thức đúng nội dung theo quy định của pháp luật. Bất kỳ sai sót nào thuộc các yêu cầu trên đều sẽ có khả năng dẫn đến trường hợp hợp đồng không có hiệu lực, hoặc gây ra những tranh chấp lao động. Do đó khi ký kết hợp đồng, người lao động cần lưu ý đến thẩm quyền của người ký kết hợp đồng lao động. Theo quy định tại Điều 18 Bộ luật lao động 2019 thì người giao kết hợp đồng phía người sử dụng lao động phải thuộc các trường hợp sau:

a) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

b) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

c) Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

d) Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động

  1. Nội dung hợp đồng

Đối với nội dung của hợp đồng lao động, Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 quy định hợp đồng phải có các nội dung chủ yếu sau:

a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;

b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;

c) Công việc và địa điểm làm việc;

d) Thời hạn của hợp đồng lao động;

đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;

g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

i) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;

k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.


Hy vọng rằng với những chia sẻ trên, người lao động sẽ trang bị cho mình những kiến thức hữu ích để dễ dàng hơn trong quá trình trao đổi, ký kết hợp đồng lao động.

 

Mai Tâm - ADM Dept. 

QooQ