Văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam – Điều kiện, thủ tục cấp phép hoạt động

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2019

LuậtThươngmại

Văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam thực hiện những hoạt động gì? Điều kiện, thủ tục cấp phép hoạt động như thế nào? Cùng AGS tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài

1. Văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam là gì?

Văn phòng đại diện là một trong những hình thức hiện diện thương mại của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác hoạt động ngân hàng tại Việt Nam, được thành lập theo pháp luật Việt Nam có chức năng hoạt động trong phạm vi mà pháp luật Việt Nam cho phép.

2. Phạm vi hoạt động của Văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam

“Điều 125. Nội dung hoạt động của văn phòng đại diện

Văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng được thực hiện các hoạt động sau đây theo nội dung ghi trong Giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp:

  1. Làm chức năng văn phòng liên lạc;

  2. Nghiên cứu thị trường;

  3. Xúc tiến các dự án đầu tư của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam;

  4. Thúc đẩy và theo dõi việc thực hiện các hợp đồng, thỏa thuận ký giữa tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp Việt Nam, dự án do tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tài trợ tại Việt Nam;

  5. Hoạt động khác phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam”

Theo đó, Văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam được phép hoạt động trong phạm vi nêu trên.

3. Tên, trụ sở chính của văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam

(1) Tên của văn phòng đại diện phải đảm bảo theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Thông tư 40/2011/TT-NHNN như sau:

- Phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan;

- Được đặt theo mẫu tương ứng như sau:

+ Ngân hàng thương mại cổ phần và Tên riêng;

+ Ngân hàng liên doanh và Tên riêng;

+ Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên và Tên ngân hàng nước ngoài và Việt Nam;

+ Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn và Tên riêng đối với ngân hàng 100% vốn nước ngoài hai thành viên trở lên;

+ Ngân hàng và Tên ngân hàng nước ngoài – Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt chi nhánh. Trong trường hợp ngân hàng nước ngoài thành lập hai chi nhánh trở lên tại một tỉnh, thành phố thì phải bổ sung tên để đảm bảo phân biệt các chi nhánh khác nhau;

+ Văn phòng đại diện và tên tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng – tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt văn phòng đại diện.

(2) Trụ sở của văn phòng đại diện phải ở trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm tên tòa nhà (nếu có), số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có). (theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Thông tư 40/2011/TT-NHNN, sửa đổi bởi khoản 15 Điều 1 Thông tư 28/2018/TT-NHNN)

4. Trình tự và thủ tục cấp phép hoạt động văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài

Khoản 2 Điều 22 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 40/2011/TT-NHNN, sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 25/2019/TT-NHNN quy định về thời hạn, trình tự và thủ tục cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện như sau:

– Tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép theo quy định tại Điều 13, Điều 18 Thông tư này và nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh) nơi văn phòng đại diện dự kiến đặt trụ sở.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có văn bản gửi tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép chưa đầy đủ, hợp lệ theo quy định, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có văn bản gửi tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng yêu cầu bổ sung hồ sơ.

– Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày gửi văn bản xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tiến hành cấp Giấy phép theo quy định. Trường hợp không cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có văn bản trả lời tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng, trong đó nêu rõ lý do không cấp Giấy phép.

#Thảo Nguyễn

#INC

#HCM


QooQ