Một số câu hỏi thắc mắc liên quan đến Thuế thu nhập cá nhân

Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017

ThuếTNCN

Thuế TNCN là khoản tiền về thuế mà người có thu nhập phải trích nộp một phần tiền lương hoặc từ các nguồn thu khác vào ngân sách nhà nước sau khi đã tính các khoản được giảm trừ.

Theo đó, thuế TNCN được xây dựng trên nguyên tắc công bằng đồng thời không đánh vào những cá nhân có thu nhập thấp, vừa đủ nuôi sống bản thân và gia đình ở mức cẩn thiết. Vậy nên việc nộp thuế TNCN cũng góp phần làm giảm hợp lý khoảng cách chênh lệch giữ các tầng lớp trong xã hội.

Tuy nhiên, vì các quy định về thuế TNCN thường khá phức tạp nên thuế TNCN luôn là nỗi quan tâm lớn của người lao động nói chung, đặc biệt là đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và những người làm chuyên môn về thuế nói riêng.

Để giải đáp những thắc mắc cho người lao động cũng như những người giải quyết vấn đề trên, trong quá trình cung cấp dịch vụ về thuế TNCN, AGS chúng mình đã tổng hợp một số câu hỏi của người nộp thuế (chủ yếu cho đối tượng khách hàng là người nước ngoài lao động tại Việt Nam) liên quan đến việc tính thuế, Quyết toán thuế TNCN. Mời mọi người cùng đọc bài viết dưới đây và tham khảo nhé!

1. Chi phí làm hộ chiếu, visa, thẻ tạm trú có tính thuế TNCN không?

Trả lời: CÓ

Chi phí làm thẻ tạm trú, visa cho người lao động nước ngoài do công ty chi trả thay cho người lao động thì các khoản này tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công và có kê khai nộp thuế TNCN

Cụ thể tại Công văn 3867/TCT-TNCN năm 2017 về chính sách thuế thu nhập cá nhân do Tổng cục Thuế ban hành: Căn cứ các quy định và hướng dẫn nêu trên Tổng cục thuế thống nhất với ý kiến của Cục thuế Thành phố Hà Nội tại Công văn số 48186/CT-TTHT ngày 18/07/2017: Trường hợp các khoản chi phí làm thẻ tạm trú, visa cho người lao động nước ngoài do công ty chi trả thay cho người lao động thì các khoản này tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công và kê khai nộp thuế TNCN theo quy định.

2. Chi phí làm giấy phép lao động do công ty chi trả có tính thuế TNCN không?

Trả lời: KHÔNG

Trường hợp công ty thuê người lao động là người nước ngoài thì công ty có trách nhiệm đề nghị cấp giấy phép lao động nên chi phí làm giấy phép lao động do công ty chi trả không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động

Cũng dựa vào Công văn 3867/TCT-TNCN năm 2017 phía trên, trường hợp công ty thuê người lao động là người nước ngoài thì công ty có trách nhiệm đề nghị cấp giấy phép lao động nên chi phí làm giấy phép lao động do công ty chi trả không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động

3. Chi phí vé máy bay phát sinh vượt quá một năm một lần thì có tính thuế TNCN không?

Trả lời: CÓ

Khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi cho người nước ngoài lao động tại Việt Nam về phép 1 lần/1 năm không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN. Tuy nhiên đối với khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi cho người nước ngoài lao động tại Việt Nam nhiều hơn 1 lần/1 năm thì được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

Cụ thể, tại Công văn 18791 hướng dẫn: Đối với các khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi cho chuyên gia nước ngoài về phép vượt quá 1 lần/1 năm và chi phí đi lại, ăn uống phục vụ chuyên gia nước ngoài về phép thì được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của chuyên gia nước ngoài.

4. Mức phạt cho hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế

Nếu chậm thời hạn làm hồ sơ khai thuế thì có thể bị phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, theo Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế như sau:

- Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp đã phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.

- Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày;

+ Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

+ Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

+ Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế 2019.

Dựa vào quy định trên có thể thấy, tùy vào thời gian chậm nộp hồ sơ khai thuế mà mức tiền mức tiền phạt có thể khác nhau.

Lưu ý: Mức phạt nêu trên là mức phạt áp dụng đối với tổ chức vi phạm. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Vì vậy, nếu cá nhân phải tự mình quyết toán thuế thu nhập cá nhân mà không thực hiện hồ sơ khai thuế sẽ bị phạt tiền bằng ½ số tiền phạt đã nêu ở trên.

5. Người lao động nước ngoài đã đóng bảo hiểm ở nước ngoài theo quy định nước đó thì có được trừ phần bảo hiểm này khi quyết toán thuế ở Việt Nam không?

Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ được trừ các khoản bảo hiểm đã đóng ở nước ngoài khi quyết toán thuế TNCN đối với tiền lương, tiền công nếu đáp ứng các điều kiện sau:

i. Các khoản bảo hiểm bắt buộc đã đóng phải tương tự quy định của pháp luật Việt Nam như BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc và các khoản bảo hiểm bắt buộc khác (nếu có); và
ii. Phải có chứng từ chứng minh đã tham gia đóng các khoản bảo hiểm nêu trên

6. Hồ sơ đăng ký người phụ thuộc đối với cá nhân cư trú người nước ngoài bao gồm những gì?

Trước hết, cá nhân là người nước ngoài muốn được giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc thì phải là cá nhân cư trú
  • Với người phụ thuộc là con của người chịu thuế gồm:
    • Con dưới 18 tuổi: Hộ chiếu người nộp thuế, Bản chụp Giấy khai sinh, CMND/CCCD, Thẻ học sinh
    • Con trên 18 tuổi không có khả năng lao động: Hộ chiếu người nộp thuế, Bản chụp Giấy khai sinh, CMND/CCCD và Giấy xác nhận khuyết tật
    • Con đang theo học ở các cơ sở đạo tạo tại Việt Nam hoặc nước ngoài tại bậc học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học bậc học phổ thông: Hộ chiếu người nộp thuế, Bản chụp Giấy khai sinh và Giấy xác nhận sinh viên
    • Con nuôi, con ngoài giá thú, con riêng: Các giấy tờ theo từng trường hợp như trên và Giấy tờ để chứng minh mối quan hệ
  • Với người phụ thuộc là vợ hoặc chồng của người nộp thuế: Hộ chiếu người nộp thuế, Bản chụp CMND/CCCD, Giấy tờ chứng minh mối quan hệ vợ chồng, Giấy tờ chứng minh người phụ thuộc không có khả năng lao động nếu còn trong độ tuổi lao động.
  • Với người phụ thuộc là cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ, mẹ vợ, cha chồng, mẹ chồng, cha dượng, mẹ kế, cha nuôi hợp pháp, mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế: Hộ chiếu người nộp thuế, Bản chụp CMND/CCCD, Giấy tờ chứng minh người phụ thuộc không còn khả năng lao động, Giấy tờ chứng minh mối quan hệ giữa người nộp thuế và người phụ thuộc.
  • Với cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật: Hộ chiếu người nộp thuế, Bản chụp CMND/CCCD hoặc giấy khai sinh, Giấy tờ chứng minh người phụ thuộc không còn khả năng lao động, Giấy tờ chứng minh mối quan hệ giữa người nộp thuế và người phụ thuộc.
7. Người lao động nước ngoài có con là người phụ thuộc quá 22 tuổi thì cơ quan thuế có tự động cắt giảm giảm trừ?

Trả lời:

Theo quy định hiện tại việc tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc và giảm trừ gia cảnh cho bản thân được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 9 Thông tư số 111/TT-BTC của Bộ Tài chính. Trong đó, trường hợp con đang theo học tại Việt Nam hoặc nước ngoài tại bậc học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học bậc học phổ thông (tính cả trong thời gian chờ kết quả thi đại học từ tháng 6 đến tháng 9 năm lớp 12) không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng được tính là người phụ thuộc.

Như vậy, thời gian tính giảm trừ gia cảnh cho con từ 18 tuổi sẽ được xác định theo thông tin cụ thể tại hồ sơ đăng ký giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế, không xác định theo số tuổi thực tế.

QooQ