Những quyền lợi chỉ có ở lao động nữ

Thứ Ba, 9 tháng 1, 2024

LuậtLaođộng

 


1.    Được khám chuyên khoa phụ sản 1 lần / năm

Căn cứ khoản 1, 2 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động và khoản 1 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, NLĐ được khám sức khỏe ít nhất 1 lần/năm. Đối với NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, NLĐ là người khuyết tật, NLĐ chưa thành niên, NLĐ cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.

Tại các kỳ khám sức khỏe định kỳ, nếu NLĐ là nữ sẽ phải được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành.

2.   Được nghỉ 30 phút/ ngày trong giờ hành kinh

Theo quy định tại khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019, khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tính vào giờ làm việc và hưởng đủ lương theo hợp đồng lao động.

Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận nhưng tối thiểu là 03 ngày làm việc/tháng.

Trường hợp không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý thì NLĐ sẽ được trả thêm tiền lương tương ứng với thời gian được nghỉ mà vẫn làm việc.

3.    Được nghỉ 60 phút / ngày trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng

Khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 và Khoản 4 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút/ngày trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

4.    Được chuyển công việc nhẹ hơn khi mang thai và nuôi con dưới 12 tháng tuổi

Theo khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Đồng thời, Điều 142 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định người sử dụng lao động phải cung cấp đầy đủ thông tin về tính chất nguy hiểm, nguy cơ, yêu cầu của công việc để NLĐ lựa chọn và phải bảo đảm điều kiện an toàn, vệ sinh lao động cho NLĐ theo quy định khi sử dụng họ làm công việc thuộc danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con (Phụ lục kèm theo Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH).

5.    Được nghỉ thai sản trước và sau 6 tháng sinh con

Theo Điều 139 Bộ luật Lao động 2019, chế độ thai sản đối với lao động nữ quy định như sau:

- Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng.

Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

- Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH.

- Hết thời gian nghỉ thai sản, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động.

- Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng nhưng NLĐ phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của NLĐ. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

6.    Được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi mang thai

Theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ mang thai nếu tiếp tục làm việc mà có ảnh hưởng xấu tới thai nhi và có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh thì có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Trường hợp này vẫn được coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng hợp pháp dù không đảm bảo thời gian báo trước theo quy định của pháp luật.

7.    Được tạm hoãn hợp đồng lao động khi mang thai

Điều 138 Bộ luật Lao động 2019 cho phép lao động nữ mang thai mà có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi, được quyền tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Khi tạm hoãn hợp đồng, lao động nữ mang thai phải thông báo cho người sử dụng kèm theo xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh.

Trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời gian tạm hoãn do NLĐ thỏa thuận với người sử dụng lao động nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ. Trường hợp không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

8.    Được lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ nếu doanh nghiệp sử dụng hơn 1000 lao động nữ

Khoản 5 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định trường hợp người sử dụng lao động sử dụng từ 1000 NLĐ nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.

Đồng thời, khuyến khích người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động.

QooQ