Một số công việc cần làm sau khi thành lập doanh nghiệp

Thứ Tư, 27 tháng 9, 2023

LuậtDoanhnghiệp

1. Mở tài khoản ngân hàng

Từ ngày 01/05/2021 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT có hiệu lực hướng dẫn Nghị định 01/2021/NĐ-CP về biểu mẫu đăng ký DN cụ thể:

  • Bỏ thông tin tài khoản ngân hàng trong giấy đề nghị đăng ký DN. Tại phần thông tin đăng ký thuế không còn thông tin số tài khoản ngân hàng. Do vậy, “số tài khoản ngân hàng” không phải là “thông tin đăng ký thuế“

  • Bỏ thông tin tài khoản ngân hàng trong thông báo thay đổi nội dung đăng ký DN. Trước đây khi thông báo số tài khoản ngân hàng thì sử dụng mẫu thông báo thay đổi nội dung đăng ký DN, tuy nhiên hiện nay biểu mẫu này không còn thông tin số tài khoản.

Hiện nay, không có quy định bắt buộc các Doanh nghiệp (DN) phải mở tài khoản Ngân hàng (quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 02/2019/TT-NHNN). Nhưng trên thực tế, các DN đều mở tài khoản ngân hàng, tài khoản ngân hàng có tác dụng như sau:

  • Là điều kiện để DN đăng ký nộp thuế điện tử;

  • Doanh nghiệp bắt buộc phải thanh toán bằng tài khoản ngân hàng đối với những giao dịch trên 20 triệu;

  • Giúp DN thuận tiện hơn trong hoạt động kinh doanh, nâng cao tính chuyên nghiệp trong giao dịch, thanh toán…

Như vậy, theo quy định trên không bắt buộc về việc các DN thông báo số tài khoản ngân hàng cho Sở Kế hoạch - Đầu tư. Tuy nhiên trên thực tế, sau khi DN nhận được Giấy đăng ký kinh doanh và mở tài khoản ngân hàng phải tiến hành thực hiện điền thông tin trên Mẫu 08-MST để bổ sung thêm “Thông tin đăng ký mới” (đính kèm tại Thông tư 105/2020/TT-BTC) và thông báo lên cho Chi cục thuế đang quản lý trực tiếp tại nơi đặt trụ sở.

2. Thông báo mẫu con dấu

Doanh nghiệp có quyền quyết định số lượng, hình thức, nội dung và mẫu con dấu của doanh nghiệp; trừ trường hợp Điều lệ doanh nghiệp có quy định khác.

Mỗi doanh nghiệp có một mẫu con dấu thống nhất về nội dung, hình thức và kích thước. Tức là, doanh nghiệp có bao nhiêu con dấu cũng được, nhưng tất cả chúng đều phải thống nhất theo một mẫu dấu đã đăng ký.

Doanh nghiệp phải thực hiện thông báo với Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở trước khi sử dụng hay khi có thay đổi, hủy mẫu con dấu, thay đổi số lượng con dấu của doanh nghiệp.

3. Khai, nộp lệ phí môn bài

Doanh nghiệp có trách nhiệm kê khai, nộp lệ phí môn bài khi mới ra hoạt động kinh doanh cho Chi cục Thuế quản lý trực tiếp.

Trường hợp doanh nghiệp có chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh (sau đây gọi chung là Đơn vị phụ thuộc) kinh doanh ở cùng địa phương cấp tỉnh; thì, doanh nghiệp thực hiện khai, nộp lệ phí môn bài cho các Đơn vị phụ thuộc đó với Chi cục Thuế quản lý trực tiếp của doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp có Đơn vị phụ thuộc kinh doanh ở khác địa phương cấp tỉnh; thì, các Đơn vị phụ thuộc đó tự khai, nộp lệ phí môn bài với Chi cục Thuế quản lý trực tiếp mình.

Doanh nghiệp và Đơn vị phụ thuộc khai lệ phí môn bài một lần khi mới ra hoạt động, kinh doanh, chậm nhất là vào ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh;

Trường hợp mới thành lập nhưng chưa hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải khai lệ phí môn bài trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.

4. Đăng ký thuế lần đầu

Hiện nay, các thông tin đăng ký thuế ban đầu, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp trong tờ khai đăng ký thành lập doanh nghiệp ở Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư; chứ không phải thực hiện đăng ký thuế ban đầu với cơ quan quản lý thuế trực tiếp (Chi cục thuế quận / huyện nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động) nữa.

Tuy nhiên, sau khi đã nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đã thông báo sử dụng mẫu con dấu, thì doanh nghiệp vẫn phải liên hệ với cơ quan quản lý thuế trực tiếp để nộp một số giấy tờ khai thuế ban đầu.

#INC #HAN #Hồng Anh

QooQ