Những lưu ý liên quan đến người lao động làm việc tại Văn phòng đại diện của Thương nhân nước ngoài

Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2022

Luật_Lao động nước ngoài LuậtDoanhnghiệp LuậtLaođộng


1. Xác định nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 152/2020/NĐ-CP khi có nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài thì Văn phòng đại diện phải gửi báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đến Sở lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở trước khi tuyển dụng ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài (theo Mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định).

Mặc khác, trong quá trình thực hiện nếu thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài thì Văn phòng đại diện phải báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài (theo Mẫu số 02/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định).

2. Báo cáo sử dụng lao động

Căn cứ quy định tại Điều 6 Nghị định 152/2020/NĐ-CP, khi Văn phòng đại diện sử dụng người lao động nước ngoài thì họ phải thực hiện Báo cáo sử dụng người lao động nước ngoài:
  • Trước ngày 05 tháng 07 và ngày 05 tháng 01 của năm sau, Văn phòng đại diện báo cáo 06 tháng đầu năm và hàng năm về tình hình sử dụng lao động nước ngoài theo Mẫu số 07/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP;
  • Thời gian chốt số liệu báo cáo 6 tháng đầu năm được tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 6 của kỳ báo cáo, thời gian chốt số liệu báo hằng năm tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo.
Ngoài ra, trong trường hợp Văn phòng đại diện sử dụng người lao động Việt Nam thì họ cũng phải thực hiện Báo cáo tình hình thay đổi lao động đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Bộ luật lao động 2019 được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2020/NĐ-CP và Khoản 1 Điều 73 Nghị định 35/2022/NĐ-CP:

2.1 Thời gian báo cáo:

  • Định kỳ 06 tháng (trước ngày 05 tháng 6);
  • Hằng năm (trước ngày 05 tháng 12).

2.2 Cách thức nộp báo cáo:

  • Thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia;
  • Gửi báo cáo bằng bản giấy (trong trường hợp doanh nghiệp không thể báo cáo tình hình thay đổi lao động thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia).
  • Cơ quan tiếp nhận báo cáo: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

3. Các vấn đề lưu ý khác khi sử dụng người lao động nước ngoài

3.1 Giấy phép lao động:

  • Căn cứ pháp lý: Điều 9 và Điều 10 Nghị định 152/2020/ NĐ-CP;
  • Thời hạn: Giấy phép lao động có thời hạn tối đa là 02 năm, được gia hạn một lần.

3.2 Khai báo tạm trú của người lao động nước ngoài:

  • Căn cứ pháp lý: Điều 33 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, sửa đổi 2019;
  • Cơ quan khai báo: Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú.

3.3 Đăng ký thị thực:

  • Căn cứ pháp lý: Điều 8, Điều 14 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, sửa đổi 2019. Điều 3 Thông tư 31/2013/TT-BCA. Mục đích: công tác, hợp tác lao động,...;
  • Thời hạn: (i) Thị thực của Trưởng văn phòng đại diện (ký hiệu NN2): có thời hạn không quá 12 tháng; (ii) Thị thực của người lao động (ký hiệu LĐ1, LĐ2): có thời hạn không quá 02 năm.

3.4 Thẻ tạm trú:

  • Căn cứ pháp lý: Điều 36, Điều 37, Điều 38 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, sửa đổi 2019; Khoản 2 Điều 4 Thông tư 31/2015/TT-BCA. Mục đích: hợp đồng lao động dài hạn,...
  • Thời hạn: (i) Thẻ tạm trú có ký hiệu NN2 có thời hạn không quá 03 năm; (ii) Thẻ tạm trú có ký hiệu LĐ1, LĐ2 có thời hạn không quá 02 năm.
# Thảo Nguyễn
# HCM
# INC

QooQ