Các hình thức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2021

Luậtđầutư

Căn cứ pháp lý:

  • Luật đầu tư 2020

Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua các hình thức đầu tư được quy định theo pháp luật đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam hiện đang trở thành mảnh đất màu mỡ thu hút các nhà đầu tư đến từ nước ngoài trong các lĩnh vực vận tải, du lịch… Do vậy, hình thức đầu tư là vấn đề được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Bài viết này sẽ trình bày các hình thức đầu tư theo quy định của luật Đầu tư 2020.

1. Nhà đầu tư nước ngoài là gì?

Căn cứ khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định về đối tượng nhà đầu tư nước ngoài như sau:

Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

2. Nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào Việt Nam với những hình thức nào?

Căn cứ Điều 21 Luật Đầu tư 2020 quy định về hình thức đầu tư bao gồm:

+ Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.

+ Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.

+ Thực hiện dự án đầu tư.

+ Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

+ Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, với tư cách là nhà đầu tư nước ngoài bạn có thể đầu tư vào Việt Nam bằng cách lựa chọn những hình thức được nêu trên.

3. Nội dung cơ bản từng hình thức đầu tư được pháp luật quy định như thế nào?

Thứ nhất, đầu tư thành lập tổ chức kinh tế (Điều 22 Luật đầu tư 2020)

Hình thức thành lập tổ chức kinh tế bao gồm hai phương thức, đó là: thành lập công ty 100% vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, thành lập công ty giữa các nhà đầu tư trong nước hoặc Chính phủ trong nước và nhà đầu tư nước ngoài

Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và phải đáp ứng các điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về chứng khoán, về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước và các điều kiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ hai, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (Điều 24, 25, 26 Luật đầu tư 2020)

Góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế là hình thức đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài. Hình thức đầu tư này thông qua việc mua cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác mà nhà đầu tư không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư. Khi thực hiện hình thức đầu tư này, nhà đầu tư cần tuân thủ các hình thức và thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

Thứ ba, thực hiện dự án đầu tư

Căn cứ Mục 2, Mục 3 Chương IV Luật Đầu tư 2020 quy định về quá trình để nhà đầu tư nước ngoài được phép thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam gồm những bước cơ bản như sau:

- Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư

- Nộp hồ sơ, nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư

- Nếu được chấp thuận dự án đầu tư thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

- Triển khai thực hiện dự án đầu tư.

Thứ tư, đầu tư theo hợp đồng BCC (Điều 27, 28 Luật đầu tư 2020)

BCC là hình thức đầu tư được ký kết giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập pháp nhân mới. Hình thức đầu tư này giúp các nhà đầu tư tiến hành hoạt động đầu tư được nhanh chóng mà không không mất thời gian, tiền bạc để thành lập và quản lý một pháp nhân mới.

Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.  Hợp đồng BCC có ít nhất 1 bên là nhà đầu tư nước thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

#INC #HAN #Hồng Anh

QooQ