Giải thể doanh nghiệp (Kiểm tra Thuế, quá trình kiểm tra và lưu ý khi quyết toán thuế) (Phần 3)

Thứ Hai, 17 tháng 5, 2021

LuậtDoanhnghiệp

1. Căn cứ pháp lý:

Căn cứ Khoản 8 Điều 16 Thông tư 151/2014/TT-BTC quy định:
Kiểm tra quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp thực hiện chia; hợp nhất; sáp nhập; chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; giải thể; chấm dứt hoạt động.
8.1. Cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra quyết toán thuế của doanh nghiệp trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được các tài liệu, hồ sơ liên quan đến việc quyết toán nghĩa vụ thuế từ người nộp thuế trong trường hợp chia, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, giải thể, chấm dứt hoạt động trừ các trường hợp quy định tại điểm 8.2 Khoản này.

8.2. Các trường hợp giải thể, chấm dứt hoạt động cơ quan thuế không phải thực hiện quyết toán thuế:
a) Doanh nghiệp, tổ chức thuộc diện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện giải thể, chấm dứt hoạt động.
b) Doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động nhưng kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đến thời điểm giải thể, chấm dứt hoạt động, doanh nghiệp không phát sinh doanh thu, chưa sử dụng hóa đơn.
c) Doanh nghiệp thuộc diện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo kê khai thực hiện giải thể, chấm dứt hoạt động, nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
– Có doanh thu bình quân năm (tính từ năm chưa được quyết toán hoặc thanh tra, kiểm tra thuế đến thời điểm doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động) không quá 1 tỷ đồng/năm .
– Kể từ năm doanh nghiệp chưa được quyết toán hoặc thanh tra, kiểm tra thuế đến thời điểm giải thể, chấm dứt hoạt động doanh nghiệp không bị xử phạt vi phạm pháp luật về hành vi trốn thuế.
– Số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp tính từ năm chưa được quyết toán hoặc thanh tra, kiểm tra thuế đến thời điểm giải thể, chấm dứt hoạt động cao hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp nếu tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ.
Đối với các trường hợp nêu tại tiết a, b, c điểm này, chậm nhất 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ do người nộp thuế gửi (bao gồm quyết định giải thể, chấm dứt hoạt động; các tài liệu chứng minh người nộp thuế thuộc các trường hợp nêu trên và đã nộp đủ số thuế phải nộp nếu có) thì cơ quan thuế xác nhận việc doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.

8.3. Đối với trường hợp doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động không thuộc các trường hợp nêu tại điểm 8.2 Điều này, căn cứ nhu cầu thực tế cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế đặt hàng và sử dụng kết quả kiểm tra quyết toán thuế của các công ty kiểm toán độc lập, tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế theo quy định tại Điều 18 Thông tư này”.

2. Đặc điểm của hoạt động kiểm tra thuế:

- Việc kiểm tra thuế chủ yếu được diễn ra tại trụ sở cơ quan thuế dựa trên hồ sơ kê khai thuế của người nộp thuế. Ngoài ra, việc kiểm tra thuế có thể diễn ra tại trụ sở của người nộp thuế nếu họ không tự giác sửa đổi, bổ sung những nội dung sai sót mà cơ quan thế đã kiểm tra, phát hiện và yêu cầu.

- Có thể thấy hoạt động kiểm tra thuế có những nét tương đồng với hoạt động thanh tra thuế. Tuy nhiên, hai hoạt động trên vẫn có những khác biệt cơ bản sau:

Về chủ thể thực hiện:
Việc kiểm tra thuế sẽ do cơ quan quản lý trục tiếp việc nộp thuế của cá nhân, tổ chức thực hiện tại cơ quan quản lý thuế hoặc tại trụ sở của người nộp thuế.
Việc thanh tra thuế được thực hiện bởi đoàn thanh tra về thuế tại cơ quan quản lý thuế hoặc tại trụ sở của người nộp thuế.

Thời hạn kiểm tra, thanh tra thuế:
Thời hạn kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế không quá 05 ngày làm việc thực tế, kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra.
Thời hạn thanh tra thuế do Tổng cục Thuế tiến hành không quá 45 ngày làm việc, trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày làm việc; do Thanh tra Cục thuế, Chi cục Thuế tiến hành không quá 30 ngày làm việc, trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày làm việc.

3. Quá trình kiểm tra Thuế:

3.1. Kiểm tra thuế khi giải thể doanh nghiệp cần làm những gì?

Kiểm tra các khoản nợ của doanh nghiệp như: nợ đối tác, nợ lương người lao động, nợ BHXH,…
Các hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu thì gửi công văn nhằm yêu cầu cục Hải quan, trụ sở chính trực thuộc xác nhận không còn nợ thuế xuất nhập khẩu.
Doanh nghiệp gửi văn bản yêu cầu tới cơ quan thuế có thẩm quyền đề nghị kiểm tra thuế khi giải thể doanh nghiệp.
Tiến hành kiểm tra các khoản thuế phát sinh trong quá trình hoạt động
Sau đó nộp các khoản thuế, đóng mã số thuế để hoàn tất thủ tục kiểm tra.

3.2. Hồ sơ:

Hồ sơ kiểm tra thuế bao gồm các giấy tờ sau:
  1. Tờ khai quyết toán thu nhập doanh nghiệptheo mẫu 03/TNDN;
  2. Báo cáo tài chính theo năm hoặc đến khi giải thể, ngừng hoạt động kinh doanh;
  3. Kèm theo một số giấy tờ khác phụ thuộc vào thực tế có các vấn đề phát sinh.

4. Lưu ý khi quyết toán doanh nghiệp:

Khi quyết toán thuế doanh nghiệp cần lưu ý:
Truy xuất sổ kế toán từ lúc công ty thành lập cho đến ngày quyết toán /giải thể (thông thường là 5- 10 năm đối với quyết toán ), như vậy bắt buộc kế toán phải lưu trữ dữ liệu sổ kế toán xuyên suốt thời gian dài (lưu ý hiện nay cơ quan thuế không xem file giấy, chỉ xem file excel);
Doanh nghiệp phải cung cấp toàn bộ hoá đơn mua vào, bán ra từ lúc thành lập đến ngày quyết toán, thông thường nhiều doanh nghiệp bỏ hoá đơn khắp nơi nên khi thuế yêu cầu cung cấp thì thất lạc;
Doanh nghiệp phải cung cấp chứng từ ngân hàng từ lúc thành lập;
Doanh nghiệp phải cung cấp hợp đồng mua bán, chứng từ hải quan và nhiều chứng từ khác. Cơ quan thuế sẽ đối chiếu giữa: Tờ khai GTGT (gọi là báo cáo thuế) với hoá đơn , với chứng từ, với sổ kế toán để tìm sai sót và doanh nghiệp sẽ bị phạt khi sai sót, có những doanh nghiệp nhỏ nhưng mức phạt + truy thu thuế vài trăm triệu đồng. Khi doanh nghiệp hiểu ra thì đã muộn, do đó hãy lựa chọn dịch vụ kế toán uy tín ngay từ lúc thành lập.

(còn tiếp)

QooQ