Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và một số điều bạn cần biết (Đối với dự án thuộc diện không chấp thuận chủ trương đầu tư)

Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2021



  1. Khái niệm

Theo định nghĩa tại Luật Đầu tư 2020, khoản 11 Điều 3 Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư”.

  1. Nội dung cơ bản

Nội dung giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Điều 40 Luật Đầu tư 2020) bao gồm:

  • Tên dự án đầu tư;

  •  Nhà đầu tư;

  •  Mã số dự án đầu tư: Đối với mã số dự án đầu tư, nội dung này được hướng dẫn chi tiết tại Điều 37 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Theo đó, mã số dự án đầu tư là một dãy số được tạo tự động bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư và được ghi tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Mỗi dự án đầu tư được cấp một mã số duy nhất, tồn tại trong quá trình hoạt động của dự án và hết hiệu lực khi dự án chấm dứt hoạt động; 

  • Địa điểm thực hiện dự án đầu tư, diện tích đất sử dụng;

  • Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư; 

  • Vốn đầu tư của dự án đầu tư (gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động); 

  • Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.

  • Tiến độ thực hiện dự án đầu tư, bao gồm:

+ Tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn

+ Tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động chủ yếu của dự án đầu tư, trường hợp dự án đầu tư chia thành từng giai đoạn thì phải quy định tiến độ thực hiện từng giai đoạn.

  • Hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và căn cứ, điều kiện áp dụng (nếu có);

  • Các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư (nếu có).

  1. Các trường hợp phải xin cấp GCN đăng ký đầu tư

Các trường hợp phải xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Đầu tư 2020. Cụ thể bao gồm: 02 trường hợp:

- Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;

- Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này. Tổ chức kinh tế được đề cập đến trong khoản 1 Điều 23 là Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;

b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;

c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

  1. Cơ quan có thẩm quyền cấp GCN đăng ký đầu tư

Theo Điều 39 Luật Đầu tư 2020 và Điều 34 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định như sau:

- Trường hợp 1: Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, trừ trường hợp 3.

- Trường hợp 2: Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, trừ trường hợp 3.

- Trường hợp 3: Cơ quan đăng ký đầu tư nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư sau đây:

+ Dự án đầu tư thực hiện tại 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;

+ Dự án đầu tư thực hiện ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế;

+ Dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế nơi chưa thành lập Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế hoặc không thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

  1. Thời hạn cấp: 

Đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư (Điều 36 Nghị định 31/2021/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư): 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ khi dự án đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 36 Nghị định này. 

  1. Thời hạn của GCN đăng ký đầu tư

(Điều 27 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư

Điều 44 Luật Đầu tư 2020 có quy định: 

- Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư trong khu kinh tế không quá 70 năm; 

- Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư ngoài khu kinh tế không quá 50 năm. Dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc dự án đầu tư có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm thì thời hạn hoạt động của dự án đầu tư có thể dài hơn nhưng không quá 70 năm. Do đó

Thời hạn của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thường được cấp theo thời hạn hoạt động của dự án đầu tư nhưng không quá 70 năm đối với dự án trong khu kinh tế; tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc dự án đầu tư có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm và không quá 50 năm đối với dự án đầu tư ngoài khu kinh tế.

  1. Sửa đổi thông tin trên GCN đăng ký đầu tư 

Theo quy định của pháp luật về đầu tư Việt Nam hiện hành “Nhà Đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp việc điều chỉnh dự án đầu tư làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư” (Khoản 2 Điều 41 Luật Đầu tư 2020). 

Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư có quyền điều chỉnh mục tiêu, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư, sáp nhập các dự án hoặc chia, tách một dự án thành nhiều dự án, sử dụng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất thuộc dự án đầu tư để góp vốn thành lập doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh hoặc các nội dung khác và phải phù hợp với quy định của pháp luật.

#TrangVũ

#HAN

#LuậtĐầutư


QooQ