Thành Lập Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Hai Thành Viên Trở Lên

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2020

LuậtDoanhnghiệp

         Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (Công ty TNHH nhiều thành viên) là một loại hình doanh nghiệp được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020, có chế về cách thức thành lập và hoạt động như sau:

CĂN CỨ PHÁP LÝ:

Luật Doanh nghiệp 2020.

  1. Khái niệm Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

Theo khoản 1 Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 của Luật này. Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các điều 51, 52 và 53 của Luật này”.

Như vậy, Công ty TNHH nhiều thành viên là một loại hình doanh nghiệp có số lượng thành viên tối thiểu là 2 người và tối đa là 50 người. Bên cạnh đó nó cũng có những đặc đặc điểm của công ty TNHH, đó chính là phạm vi chịu trách nhiệm sẽ được giới hạn bằng với số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

Ngoài ra, tại Điều 46 cũng có những quy định khác về Công ty TNHH như: Công ty TNHH có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; được phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật và không được phát hành cổ phần.

  1. Thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

Căn cứ tại Điều 26 thì người thành lập hoặc người được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo trình tự sau:

  • Thẩm quyền: Phòng đăng ký kinh doanh nơi công ty dự định đặt trụ sở chính

  • Thời hạn: 03 ngày làm việc

  • Hình thức:

+ Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Phòng đăng ký kinh doanh;

+ Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính;

+ Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

  • Lệ phí: 100.000 đồng/lần

Hồ sơ bao gồm: 

  1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

  2. Điều lệ công ty;

  3. Danh sách thành viên;

  4. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;

b) Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức. Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

  1. Sổ đăng ký thành viên

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH nhiều thành viên phải lập sổ đăng ký thành viên và lưu trữ tại trụ sở chính của công ty theo Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020.

Nhờ có sổ này mà cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan quản lý nhà nước khác (cơ quan thuế, cơ quan thanh tra…) có được những thông tin cần thiết để thực hiện được nội dung quản lý nhà nước.

Nội dung của sổ đăng ký thành viên bao gồm: 

  • Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty;

  • Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với thành viên là tổ chức;

  • Phần vốn góp, tỷ lệ phần vốn góp đã góp, thời điểm góp vốn, loại tài sản góp vốn, số lượng, giá trị của từng loại tài sản góp vốn của từng thành viên;

  • Chữ ký của thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật của thành viên là tổ chức;

  • Số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp của từng thành viên.

#trucha #agshcm #luatdoanhnghiep

QooQ