Văn hóa đeo khẩu trang của người Nhật

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

Nhânsự_VănhóaNhậtBản

















Đã có rất nhiều du khách nước ngoài bày tỏ sự ngạc nhiên khi bắt gặp cảnh tượng người người đeo khẩu trang trên đường phố Nhật Bản. Có thể nói, văn hóa đeo khẩu trang đã tồn tại từ rất lâu tại xứ sở hoa anh đào và nhiều khả năng sẽ kéo dài kể cả khi đại dịch Covid-19 qua đi. Vậy thì, thói quen này bắt nguồn từ khi nào, tại sao người Nhật lại thường xuyên đeo khẩu trang như vậy, chúng ta hãy cùng đi vào tìm hiểu nhé!


Thói quen đeo khẩu trang được cho là xuất hiện ở Nhật từ hơn 100 năm trước, khi đại dịch cúm Tây Ban Nha bùng phát vào thời Minh Trị (khoảng năm 1918). Ước tính cho thấy vào thời điểm đó, số người nhiễm cúm Tây Ban Nha trên toàn thế giới là khoảng 500 triệu người, chiếm gần 30% dân số thế giới. Tại Nhật Bản, với dân số lúc bấy giờ là 55 triệu người, thì đã có khoảng 23 triệu người được cho là nhiễm bệnh, trong đó có 390.000 người tử vong. Dọc các con phố vào thời điểm đó sẽ có các tấm áp phích với nội dung:




“ 恐るべし

  ハヤリカゼのバイキン

  

  マスクをかけぬ

  命知らず”


(Tạm dịch:

“Virus cúm 

Không nên chủ quan


Không đeo khẩu trang là coi thường mạng sống”)






Và khẩu trang thời này sẽ là những chiếc khẩu trang đen, có gắn một tấm màng lọc bằng kim loại dạng tơ giúp lọc không khí đi từ bên ngoài vào, với giá bán khoảng 3000 yên (hơn 500.000VND)/cái


Đến năm 2000, thì việc đeo khẩu trang lại trở nên phổ biến với lý do chống lại căn bệnh dị ứng phấn hoa. Sau đó, vào năm 2002, dịch bệnh SARS hoành hành trên toàn thế giới. Tính riêng ở Nhật, từ tháng 11/2002 đến tháng 7/2003, tổng số trường hợp nhiễm SARS được ghi nhận là 68 trường hợp (trong đó 52 trường hợp nghi ngờ, 16 trường hợp có thể xảy ra). Và cũng chính từ giai đoạn này, loại khẩu trang vải sử dụng một lần đã bắt đầu trở nên phổ biến. 


Sau đó, vào những năm sau này, cụ thể là giai đoạn 2010-2017, việc sản xuất khẩu trang tại Nhật ngày càng được đẩy mạnh. Số khẩu trang được sản xuất vào năm 2017 là khoảng 4,1 tỷ cái, gấp 14 lần so với năm 2010.




















Tuy nhiên, ngoài các lý do kể trên, thì các chuyên gia Nhật chỉ ra rằng phần lớn người dân đeo khẩu trang vì chứng sợ xã hội. Nghiên cứu năm 2018 của bác sĩ tâm thần Noboru Watanabe từ Văn phòng Y tế Akasaka phát hiện nhiều cá nhân đeo khẩu trang để che giấu sự căng thẳng, lo âu. Tuy nhiên, càng đeo khẩu trang, thì nỗi sợ xã hội lại càng tăng lên. Watanaba còn tuyên bố rằng phụ thuộc vào khẩu trang cũng là một chứng nghiện, tuy không phụ thuộc vào một chất cụ thể như nghiện rượu hay nghiện ma túy, song mục đích cuối cùng vẫn là để giúp con người giải tỏa, dễ chịu hơn. 


Cuối cùng, về vấn đề đeo khẩu trang, đã có nhiều ý kiến thể hiện sự không đồng tình, có thể kể đến như đeo khẩu trang trong cuộc họp được xem là một sự thất lễ; hay đeo khẩu trang cũng có liên quan đến TPO (Time, Place and Occasion - Thời gian, địa điểm và dịp), tức đeo mọi lúc mọi nơi sẽ không phải là một điều hay.


Hi vọng qua bài viết này, các bạn đã phần nào hiểu hơn về văn hóa đeo khẩu trang của người Nhật. Và cuối cùng, mình muốn gửi một lời nhắn đến các bạn rằng hãy đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay và hạn chế đến nơi đông người để bảo vệ bản thân trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát tại Việt Nam nhé!


Nguồn: Tổng hợp


QooQ