Các câu hỏi phỏng vấn thực tập sinh hay gặp và cách trả lời “ghi điểm”

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

Nhânsự_Kỹnăng

Thực tập (internship) là giai đoạn tiếp xúc với thực tế công việc khi chưa có nhiều kinh nghiệm hay kỹ năng, thường dành cho sinh viên năm 3 – năm 4 làm báo cáo thực tập tốt nghiệp hoặc mới ra trường. Thực tập sinh sẽ trải qua quá trình học việc sau đó tiếp nhận những công việc đơn giản đầu tiên để làm quen với thực tế, nhận feedback, đánh giá của người dẫn dắt (quản lý hoặc nhân viên chuyên trách trong bộ phận). Sau khi kết thúc kỳ thực tập (3-6 tháng), thực tập sinh có thể được xem xét tuyển dụng vào vị trí nhân viên chính thức của công ty nếu có kết quả làm việc tốt.

Khi tuyển dụng thực tập sinh, nhà tuyển dụng không quá đề cao kinh nghiệm làm việc hay hồ sơ bằng thái độ và tiềm năng của ứng viên. Kinh nghiệm phỏng vấn thực tập sinh đó là bạn hãy rèn luyện phong thái chuyên nghiệp (trang phục chỉn chu, cách nói năng nhẹ nhàng, điềm tĩnh), giữ cho mình thái độ tự tin và khiêm tốn. Khi trả lời phỏng vấn nên chân thành và đặc biệt không nên rập khuôn những mẫu câu trả lời “sáo rỗng". Nên nhớ thái độ quan trọng hơn trình độ.

Bạn biết gì về công ty chúng tôi?

Đây là câu hỏi khá đơn giản, chủ yếu nhằm để kiểm tra xem thực tập sinh có hiểu về công ty và có thực sự mong muốn làm việc hay không. Trước khi đi phỏng vấn, bạn nên tìm hiểu cặn kẽ những thông tin về công ty như: cơ cấu công ty, các dòng sản phẩm, thị trường chính, các kênh phân phối, tệp khách hàng, đối tác chính,… đặc biệt là những thông tin liên quan đến công việc mà bạn đang ứng tuyển. Nắm được những thông tin này không chỉ giúp bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng mà còn góp phần tạo nên sự tự tin và chủ động cho bạn trong suốt buổi phỏng vấn.

Mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn và dài hạn của bạn là gì?

Mục tiêu nghề nghiệp là câu hỏi được dùng để nhà tuyển dụng đánh giá thực tập sinh có định hướng trong sự nghiệp và nó có phù hợp với doanh nghiệp hay không. Để trả lời câu hỏi này một cách khéo léo nhất, bạn nên chọn mục tiêu nghề nghiệp trong ngắn hạn (1-3 năm tới) liên quan đến công việc đang ứng tuyển (ví dụ trở thành kế toán bán hàng chuyên nghiệp). Còn mục tiêu dài hạn (3-5 năm tiếp theo) có thể đưa ra từ 2-3 lựa chọn khác nhau dựa trên mục tiêu ngắn hạn. Cần nhớ rằng bạn không nên đặt ra mục tiêu dài hạn quá sớm hoặc quá “nổ”.

Hãy phân tích điểm mạnh và điểm yếu của bản thân

Về điểm mạnh

nên chọn từ 2-3 điểm mạnh liên quan trực tiếp đến công việc đang ứng tuyển ví dụ như tinh thần trách nhiệm, khả năng sáng tạo, khả năng xử lý vấn đề hay một số kỹ năng như kỹ năng viết, kỹ năng đàm phán… Mỗi điểm mạnh bạn nên chứng minh thông qua các hoạt động học tập – sinh hoạt, ví dụ thường đảm nhiệm vị trí leader trong nhóm thuyết trình, tham gia sáng tác kịch bản video clip cho bài tập nhóm/ event CLB,…

Về điểm yếu

Nhiều người còn phân vân có nên viết điểm yếu hay điểm yếu nào dễ được nhà tuyển dụng chấp nhận thì câu trả lời đó chính là bạn cần khéo léo trình bày một cách thông minh. Trước hết, bạn nên thẳng thắn thừa nhận điểm yếu nếu nó có khả năng gây ảnh hưởng trực tiếp tới công việc, kèm theo đó là đề xuất cách tự khắc phục, điều này cho thấy bạn đã dành thời gian nghiên cứu và tìm hiểu về công việc. Ngoài ra, bạn có thể trả lời về điểm yếu không liên quan đến yêu cầu của công việc hoặc biến điểm yếu thành điểm mạnh. Số lượng điểm yếu mà bạn đề cập chỉ nên từ 2-3, không nên nhiều hơn 3.

Đối với thực tập sinh thì điểm yếu lớn nhất là chưa có kinh nghiệm làm việc thực tế, song bạn có thể liệt kê một số chứng chỉ, khóa học, hay hoạt động tại CLB có liên quan để chứng minh với nhà tuyển dụng bạn thực sự mong muốn phát triển tại lĩnh vực này

QooQ