Honne và Tatemae: Nét Độc Đáo Trong Văn Hóa Ứng Xử Của Người Nhật

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

Nhânsự_VănhóaNhậtBản

Nếu bạn đang sống ở Nhật hay có bạn bè là người Nhật, thì chắc có lẽ những câu từ chối khéo như: “Thật tiếc quá, tối nay mình bận mất rồi”, hay “Hẹn lần sau nhé”... không phải là một điều gì quá xa lạ đối với bạn. Và thường thì, sẽ không có “lần sau” nào cả.














Từ lâu, trong văn hóa Nhật Bản, nhân tố con người luôn được xem là nhân tố giữ vị trí quan trọng nhất để tạo ra một xã hội ổn định và phát triển, từng bước hội nhập quốc tế và trở thành cường quốc trên thế giới. Do đó, Nhật Bản đã tạo ra một cỗ máy nhằm củng cố sự vững chắc trong giao tiếp giữa con người với con người, đó là văn hoá ứng xử Honne và Tatemae. Để tránh việc làm tổn thương người khác, thì thay vì nói ra cái Honne - những sự thật mất lòng, người Nhật lại chọn Tatemae - như một cách nói giảm nói tránh, nói những gì không đúng với suy nghĩ của họ.

Và để có thể hiểu rõ hơn về 2 khái niệm này, hãy cùng chúng mình đi vào bài viết ngay sau đây nhé!

1. Khái niệm Honne và Tatemae

Về mặt cấu tạo, Honne được ghép từ hai chữ Hán tự là 本 (Bổn, Bản) và 音 (Âm), dịch xuôi có nghĩa là “âm sắc thật sự”. Tatemae thì lại được ghép từ chữ 建 (Kiến), xuất hiện trong những từ như 建物 (Toà nhà), và chữ 前 (Tiền) nghĩa là “phía trước”. Từ đó ta có thể hiểu rằng Tatemae có nghĩa là “những gì được đặt trước một cá nhân”.

Đây cũng chính là những nét nghĩa mà các trang từ điển Nhật Bản dùng để định nghĩa Honne và Tatemae. Ví dụ, theo từ điển Kotobank, Honne được định nghĩa là “ý định thật sự mà ta không thể nói ra; là lời nói xuất phát từ thật tâm; lời nói thể hiện những cảm xúc chân thật”. Đối với từ Tatemae, theo từ điển Goo là “những phương châm được xây dựng như một nguyên tắc; những suy nghĩ được thể hiện ra bên ngoài”.

2. Ảnh hưởng của Honne và Tatemae trong văn hóa ứng xử của người Nhật

2.1. Trong doanh nghiệp

Trong cùng một doanh nghiệp, Tatemae sẽ được thể hiện qua mối quan hệ senpai (cấp trên) - kohai (cấp dưới). Ví dụ, trong một cuộc họp, kohai thường sẽ đưa ra những ý kiến thuận theo quan điểm của senpai thay vì đưa ra ý kiến chủ quan của mình. Ta có thể thấy, điều này khá giống với việc cấp dưới thường ở vị trí phụ thuộc và nghe theo sự chỉ dẫn của cấp trên trong đa phần doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, những câu nói từ cấp trên như “Tôi rất kỳ vọng ở anh/chị” cũng là một biểu hiện của Tatemae. Khi nghe được những câu như vậy, sẽ rất khó để có thể phân định được rằng đây là lời động viên hay cấp trên đang muốn yêu cầu ở mình điều gì. Hơn thế nữa, người Nhật còn thường tìm đến ở những hoạt động giải trí sau giờ làm như 飲み会 (Nomikai - buổi uống rượu trò chuyện), 水商売 (Mizushobai - việc lấy nhà tắm làm trung tâm để uống rượu, nghỉ ngơi),... như là nơi để họ có thể giải tỏa bản thân, là nơi bộc lộ cái Honne sau một ngày phải mang bộ mặt Tatemae ở nơi làm việc.











Mặt khác, nhằm mục đích gây ấn tượng tốt và giữ thể diện cho phía mình, các doanh nghiệp Nhật Bản đều lấy Tatemae làm quy tắc đầu tiên trong giao tiếp với khách hàng (người ngoài công ty). Nếu như ở trong công ty, nomikai được xem là nơi để mọi người bộc lộ Honne của mình, thì trong trường hợp giao tiếp với khách hàng, nomikai (hay có thể là các quán karaoke, câu lạc bộ đêm, 料亭 (Ryotei - nhà hàng truyền thống kiểu Nhật) lại trở thành nơi mà Tatemae của người tham gia được sử dụng. Ở đây, rượu được xem là một yếu tố giúp xoa dịu giao tiếp giữa các đồng nghiệp với nhau, đồng thời giúp các giao dịch kinh doanh diễn ra êm đềm và trót lọt.

2.2. Trong cách giao tiếp hằng ngày









Trong đời sống hằng ngày, ta có thể thấy biểu hiện của Honne và Tatemae thông qua cách người Nhật nói lời từ chối, như những ví dụ mình đã đề cập ở đầu bài viết. Ngoài ra, 2 ý niệm này còn được thể hiện qua cách bày tỏ ý kiến. Trong văn hóa Nhật Bản, việc bày tỏ ý kiến thường bị xem là việc làm gây ảnh hưởng xấu đến sự ổn định và cân bằng của tập thể. Vì vậy, người Nhật thường sẽ hạn chế nói ra những gì mình nghĩ. Trong trường hợp họ buộc phải nêu ý kiến, đặc biệt là ý kiến tiêu cực, họ sẽ trở nên rất thận trọng, và thường sử dụng các mẫu câu mang tính gián tiếp như ~と思う (Tôi nghĩ là…)、~ような気・感じがする (Tôi cảm thấy…)、~のではないでしょうか (Chẳng phải … hay sao?). Tương tự, người Việt cũng chú ý đến việc giữ gìn hòa khí trong các mối quan hệ để đảm bảo sự ổn định của cộng đồng, thể hiện qua việc thận trọng trong lời ăn tiếng nói, ứng xử theo cách nhường nhịn nhau…

2.3. Trong gia đình








Ngoài ra, gia đình - nơi mà mỗi người rất quen thuộc, gắn bó, cũng xuất hiện những biểu hiện của Honne và Tatemae. Ví dụ, người phụ nữ sau khi trải qua một ngày bận rộn với công việc nội trợ, họ vẫn phải đón tiếp người chồng đi làm về với gương mặt niềm nở. Ngoài ra, việc những bậc cha mẹ nói dối để trấn an, an ủi con mình cũng là một biểu hiện của Tatemae. Và ta có thể thấy, điều này có phần tương đồng với chữ “nhẫn” trong văn hóa ứng xử của gia đình Việt Nam, thể hiện ở việc các thành viên thường sẽ kiềm chế cảm xúc của bản thân thay vì gây gổ với nhau, hay ở việc người vợ nhẫn nhịn người chồng của mình.

Chính vì lối văn hóa ứng xử theo quy tắc Honne và Tatemae này mà người Nhật thường bị người nước ngoài đánh giá là khó gần và “thảo mai”. Thế nhưng, khi nghĩ theo một hướng tích cực hơn, ta có thể thấy lối ứng xử này thể hiện rằng thấy người Nhật luôn biết suy nghĩ đến vị trí, tâm trạng của người khác và tránh gây tổn thương đến cảm xúc của đối phương, thì chẳng phải đây là một nét tính cách rất đáng quý hay sao?

Nguồn: Tổng hợp


QooQ